Định nghĩa Throffer

Ngoài bài phân tích đầu tiên của Steiner, nhiều tác giả cũng đề ra những định nghĩa khác và cách phân biệt khái niệm throffer so với hai khái niệm cũ là đề nghị và đe dọa.

Steiner

Trong Proceedings of the Aristotelian Society, Steiner đề cập đến sự khác biệt giữa hai dạng can thiệp - đe dọa và đề nghị. Kết luận đưa ra là hai biện pháp trên khác nhau ở hệ quả tuân thủ hoặc không tuân thủ đối với đối tượng (người nhận yêu cầu), so sánh với "chuẩn mực". Ông nhận thấy vì những thay đổi trong cảm nhận của đối tượng không chỉ tương đối, mà là tuyệt đối, nên các tài liệu về tính cưỡng bức đều ngầm giả định khái niệm "bình thường". Khả năng xảy ra của các thay đổi tuyệt đối đều cần có tiêu chuẩn - "diễn biến bình thường và khả dĩ nhất của sự kiện, hay quá trình diễn tiến của sự kiện khi không có sự can thiệp nào".[17]

Hệ quả của việc tuân theo một lời đề nghị (như "bạn muốn dùng xe tôi lúc nào cũng được") "sẽ dẫn đến một tình huống tốt hơn so với chuẩn mực". Nếu không tuân theo (không đồng ý dùng xe), hệ quả sẽ tương đương với tiêu chuẩn, không tích cực cũng không tiêu cực hơn. Ngược lại, đặc trưng của một lời đe dọa là hệ quả quy ước tiêu cực hơn nếu phục tùng. Ví dụ, khi một người nào đó bị đe dọa "tiền hay mạng"; nếu họ làm theo, họ mất tiền, ngược lại, họ mất mạng. Với đối tượng, cả hai lựa chọn này đều tiêu cực hơn bình thường (khi không bị đe dọa), nhưng mất tiền (tuân thủ) vẫn tích cực hơn mất mạng (không tuân thủ). Throffer là dạng can thiệp thứ ba, không giống đề nghị, cũng không giống đe dọa: chấp thuận sẽ tích cực hơn chuẩn mực, và không chấp thuận thì ngược lại.[2]

Steiner cho rằng mọi đề nghị, đe dọa và throffer đều ảnh hưởng đến cách đối tượng cân nhắc thực tế theo cùng một hướng. Đối với đối tượng, điều quan trọng không phải là sự khác biệt về mức độ mong muốn giữa hệ quả của tuân thủ/không tuân thủ và chuẩn mực, mà là giữa tuân thủ và không tuân thủ với nhau. Do vậy, một lời đe dọa không nhất thiết phải gây ra nhiều ảnh hưởng (với đối tượng) hơn đề nghị. Tác động của can thiệp không phụ thuộc vào hình thức, mà vào sự khác biệt về mức độ mong muốn của đối tượng giữa việc có thực hiện hay không.[18]

Stevens

Triết gia Robert Stevens phản bác Steiner, đồng thời nêu một số ví dụ về đề nghị, đe dọa và throffer (theo cách ông phân loại) không đáp ứng định nghĩa của Steiner. Ông đưa ra một yêu cầu mà ông coi là throffer, tuy trái ngược với đe dọa, nhưng sẽ khiến đối tượng ít mong muốn cả việc tuân theo và từ chối hơn so với chuẩn mực: "Nếu anh không chịu đổi con bò lấy một nắm đậu,[lower-alpha 2] tôi sẽ giết anh." Đối tượng nhận yêu cầu sẽ muốn giữ bò hơn thực hiện/không thực hiện theo throffer. Bằng những ví dụ như trên, Stevens cho rằng cách phân biệt ba loại can thiệp của Steiner không chính xác.[19]

Stevens cho rằng việc xác định một throffer không dựa trên sự khác biệt giữa mức độ mong muốn làm theo hoặc không làm theo và chuẩn mực, mà là giữa mức độ mong muốn làm theo/không làm khi chịu can thiệp với lúc không nhận yêu cầu.

Ông cho rằng:

  • Nếu P cố gắng khiến Q thực hiện hành vi A bằng cách gia tăng mong muốn thực hiện và giảm thiểu mong muốn không thực hiện hành vi A của Q sau khi nhận yêu cầu so với mức độ tương ứng khi P không yêu cầu, thì yêu cầu này là throffer.
  • Nếu P đưa ra một lời đề nghị, Q sẽ muốn thực hiện A hơn so với khi không nhận yêu cầu, nhưng mức độ mong muốn không thực hiện hành vi A sẽ không thay đổi.
  • Một lời đe dọa sẽ giảm thiểu mong muốn không thực hiện hành vi A của Q, nhưng sẽ không làm thay đổi mong muốn thực hiện.[20]
Stevens mô tả cách P thúc đẩy Q thực hiện hành vi A
P đã đưa ra một lời......nếu P cho rằng Q cảm thấy...
...việc thực hiện A sau khi bị can thiệp......việc không thực hiện A sau khi bị can thiệp...
...đề nghị......tích cực hơn....vẫn như vậy.
...đe dọa......vẫn như vậy....tiêu cực hơn.
...throffer......tích cực hơn....tiêu cực hơn.

Kristjánsson

Triết gia chính trị Kristján Kristjánsson phân biệt bằng cách giải thích đe dọa là một dạng yêu cầu gây cản trở, còn đề nghị thì không,[21] cũng như chỉ ra điểm khác biệt giữa yêu cầu dự tính và yêu cầu tối hậu - điều mà ông cho rằng các tác giả trước đã bỏ qua:[22]

  • Yêu cầu dự tính là một đề nghị, vì không gây ra bất cứ trở ngại nào cho đối tượng về mặt logic. Ví dụ, "lấy tờ báo kia cho anh, anh sẽ cho em kẹo" là một yêu cầu dự tính, vì theo logic, nếu không chấp thuận yêu cầu này (lấy báo), đối tượng vẫn có thể có kẹo bằng một cách nào đó khác. Tức là, nếu đối tượng lấy báo, thì sẽ được thưởng kẹo. [23]
  • Ngược lại, yêu cầu tối hậu sẽ có dạng "em có kẹo khi và chỉ khi em lấy tờ báo kia cho anh". Đối tượng sẽ chỉ có kẹo sau khi đáp ứng điều kiện cần và đủ: lấy báo. Theo Kristjánsson, yêu cầu tối hậu chính là throffer: có nửa đề nghị lấy báo ("khi") và nửa đe dọa rằng đối tượng sẽ chỉ có thể có kẹo nếu chấp thuận đề nghị ("chỉ khi"). Vậy là, theo nghĩa đen, giữa đối tượng và kẹo, một vật cản đã hình thành.[21]

Nhiều tác giả trước đó[lower-alpha 3] đã phân tích tính đạo đức và thống kê nhiều yêu cầu trong các thí nghiệm tưởng tượng khác nhau để phân loại đe dọa hoặc đề nghị. Theo Kristjánsson, mọi thí nghiệm trên đều là throffer. Ông lập luận rằng lối phân tích của họ có mục đích phân biệt những đề nghị có tính hạn chế tự do với số còn lại. Họ kết hợp hai hướng: phân biệt đe dọa với đề nghị, và đe dọa hạn chế tự do với không hạn chế.[24] Từ đó, ông kết luận: phương pháp này cũng không phù hợp để xác định điểm khác biệt giữa đe dọa hạn chế tự do và không hạn chế, bởi sẽ cần kiểm tra cả trách nhiệm về đạo đức.[25]

Rhodes

Nhà triết học chính trị và lý thuyết pháp lý Michael R. Rhodes mô tả đề nghị, đe dọa và throffer dựa trên cách đối tượng nhận thức yêu cầu (và nhận thức về người đưa ra yêu cầu đó,[26] nếu do tác nhân đưa ra thay vì thiên nhiên[9]) Ông nêu ra 7 cơ chế động lực mong muốn khác nhau, hay 7 lý do khiến chủ thể P mong muốn thực hiện những hành vi dẫn đến hệ quả B:

  1. W1 (mong muốn đạt được nội tại): "P mong muốn hệ quả B đáng mong muốn; P gần như tuyệt đối chấp thuận B; P coi B, và tự B, có giá trị."
  2. W2 (mong muốn đạt được ngoại vi): "P coi B là phương tiện để đạt được E (mong muốn đạt được nội tại)."
  3. W3 (mong muốn đạt được tổng hợp): "B là hệ quả của mong muốn đạt được nội tại kết hợp với mong muốn đạt được ngoại vi: B = W1 + W2".
  4. W4 (mong muốn tránh khỏi ngoại vi): "P coi B là phương tiện để tránh khỏi F (P gần như không chấp thuận F: F khiến P sợ, hoặc F đe dọa P)."
  5. W5 (mong muốn phức hợp loại A): "B = W1 + W4".
  6. W6 (mong muốn phức hợp loại B): "B = W2 + W4".
  7. W7 (mong muốn phức hợp loại C): "B = W3 + W4".[27]

Những đề nghị sẽ thúc đẩy P thực hiện hành vi bằng nguyên do W1, W2 hoặc W3, còn các đe dọa là W4.[9] Ông cũng lưu ý rằng đề nghị và đe dọa không hoàn toàn đối nghịch nhau: đề nghị chỉ cần thái độ chấp thuận nhẹ, nhưng cần phải có mức độ từ chối cao trước khi một đề xuất có thể được gọi là một mối đe dọa. Sự phản đối phải đủ mạnh để kích động "nhận thức được sự đe dọa và các cảm giác sợ hãi tương quan".[28] Rhodes coi throffers là những yêu cầu thúc đẩy P thực hiện hành vi bằng W5, W6 hoặc W7,[29] nhưng cũng ghi chú thêm rằng cái tên này không được sử dụng phổ biến.[9]

Rhodes cho rằng throffer không đơn thuần là một yêu cầu hai chiều. Ví dụ, nếu Q tống tiền P $10.000 để "giữ miệng", thì yêu cầu hai chiều của Q (P có thể chọn trả hoặc không; mỗi hành vi dẫn đến một hệ quả khác nhau) không phải là throffer, bởi lẽ, với P, lựa chọn trả tiền cho Q chắc chắn không đáng mong muốn, dù Q có yêu cầu hay không.[30] Việc P trả tiền cho Q sẽ không dẫn đến sự thoả mãn sinh ra từ hoàn thành mong muốn đạt được - điều kiện cần một yêu cầu trở thành "đề nghị", theo cách phân biệt của Rhodes.[31] Một ngoại lệ là khi ai đó đề nghị giúp đỡ người khác đối phó với mối đe dọa nền (không có trong yêu cầu).[32] Tính hai chiều, ngoài đe dọa hoặc đề nghị, có thể chứa các đề xuất trung lập, và do đó không phải là yếu tố gây cản trở. [31] Khả năng tác nhân khác không hành động nhất thiết là trung lập. [33] Phản đối là những đề xuất hai điều kiện chứa đựng cả mối đe dọa và lời đề nghị, trái ngược với đề xuất hai điều kiện có chứa mối đe dọa và đề xuất trung lập, hoặc đề nghị và đề xuất trung lập. Trong trường hợp điều chỉnh, sẽ luôn khó hoặc thậm chí không thể xác định được liệu một tác nhân có hành động theo khía cạnh đe dọa của đề xuất hay đề nghị hay không.[34]